Gạo Việt Nam tiếp tục đắt lên, giá gạo Thái đi xuống Thứ sáu, 13/07/2012, 08:17 GMT+7 Giá gạo Việt Nam tiếp tục nhích lên trong tuần này, bất chấp sự gia tăng của nguồn cung, nhờ chương trình mua tạm trữ của Chính phủ... Giá gạo Việt Nam tiếp tục nhích lên trong tuần này, bất chấp sự gia tăng của nguồn cung, nhờ chương trình mua tạm trữ của Chính phủ. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan đi xuống do nhu cầu yếu của thị trường.
Theo tin từ Reuters, tuần này, các công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam đã bắt đầu thu mua lúa gạo vụ Hè Thu theo chương trình tạm trữ. Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho biết, thị trường xuất khẩu gạo thế giới hiện vẫn rất yên ắng. Cũng theo giới giao dịch, giá gạo xuất khẩu có thể tăng trong tháng tới nếu nhu cầu xuất hiện từ những nước nhập khẩu gạo chủ chốt như Philippines và Indonesia. Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với gạo giá rẻ hơn từ Myanmar và Ấn Độ. Hai quốc gia này chào bán gạo với giá hiện tại dao động từ 350-430 USD/tấn. “Giá gạo trong nước đã nhích lên trong mấy ngày qua, dẫn tới sự thay đổi đôi chút trong giá xuất khẩu”, một thương nhân tại Tp.HCM cho biết. Tính đến ngày hôm qua (11/7), giá gạo xuất khẩu Việt Nam loại 25% tấm, FOB cảng Sài Gòn, là 375-380 USD/tấn, tăng so với mức 370-375 USD/tấn vào tuần trước. Giá gạo loại 5% tấm không đổi ở mức 410-415 USD/tấn. Tại khu vực ĐBSCL, giá thóc vụ hè thu, loại chủ yếu dùng để chế biến ra gạo phẩm cấp thấp, bao gồm loại 15% và 25% tấm, tăng 100-150 đồng/kg. Trong chương trình tạm trữ, Chính phủ cho phép các công ty xuất khẩu gạo vay không lãi suất để mua 500.000 tấn gạo, tương đương khoảng 1 triệu tấn thóc. Thời gian thu mua kéo dài tới ngày 10/8 và tạm trữ cho tới ngày 10/10 để hỗ trợ giá lúa gạo trong nước khi vụ thu hoạch bước vào cao điểm trong tháng này. Tuy nhiên, các thương lái cho rằng, khối lượng tạm trữ như thế là khá nhỏ so với sản lượng dự báo lên tới 8,9 triệu tấn lúa tại ĐBSCL trong vụ Hè Thu này. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kết quả giao hàng xuất khẩu gạo từ ngày 1/7 đến ngày 5/7 đạt 61.483 tấn, trị giá FOB 27,032 triệu USD, trị giá CIF 27,195 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1/1 đến ngày 5/7 đạt 3,475 triệu tấn, trị giá FOB 1,594 tỷ USD, trị giá CIF 1,626 tỷ USD. Trong khi giá gạo tại Việt Nam tăng, giá gạo Thái Lan lại giảm do các công ty xay xát chào bán gạo với mức giá rẻ hơn để khuyến khích các công ty nhập khẩu mua gạo trở lại. Reuters cho biết, các nhà xay xát gạo ở Thái Lan đang chào bán gạo trắng cao cấp với giá 17.400 Baht (550 USD)/tấn, so với mức 18.000 Baht/tấn vào tuần trước. Một số nhà xay xát còn gạo nhưng không thể bán được cho Chính phủ Thái Lan vì chương trình tạm trữ lúa gạo của nước này đã kết thúc. Bởi vậy, họ phải bán rẻ gạo để cải thiện tình hình thanh khoản. Do vậy, giá xuất khẩu gạo trắng loại 100% B của Thái Lan mã hiệu RI-THWHB-P1 đã giảm xuống còn 590 USD/tấn vào ngày hôm qua, từ mức 600 USD/tấn cách đây 1 tuần. “Giá gạo giảm như thế cũng chẳng giải quyết được gì vì các công ty xuất khẩu gạo của Thái Lan không nhận được đơn đặt hàng. Bởi thế, họ cũng chẳng muốn mua gạo vào thời điểm này”, một thương lái ở Bangkok cho biết. Tuy nhiên, giới thương nhân cho rằng, giá gạo Thái Lan ít có khả năng giảm mạnh trong mấy tuần sắp tới, vì chương trình tạm trữ gạo của Chính phủ nước này gần như chắc chắn sẽ được nối lại, có thể từ tháng 8, sau khi kết thúc vào cuối tháng 6 vừa rồi. Tuần trước, Chính phủ Thái Lan tuyên bố đã bán được 240.000 tấn gạo từ kho tạm trữ cho quốc gia châu Phi Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, số gạo này chỉ tương đương 3% kho tạm trữ gạo lên tới 8 triệu tấn của Thái Lan, nên chỉ có ảnh hưởng hết sức giới hạn với giá gạo của nước này. Nguồn: VnEconomy |
Copyright © 2017 Công Ty Lương Thực Sông Hậu |