Trung Quốc mua gạo, thị trường lo âu Thứ năm, 10/01/2013, 05:09 GMT+7 Trong vài thập niên, Trung Quốc không chỉ nuôi sống khối dân đông đảo của mình mà còn dư thừa lúa gạo để xuất khẩu, nhưng trong vài năm gần đây xu hướng đó đã bị đảo ngược, khiến thị trường lo ngại về khả năng giá gạo tăng vọt trong những năm tới.
Báo Wall Street Journal (WSJ) số ra ngày 7-1-2013, dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong năm 2012, Trung Quốc nhập khẩu 2,6 triệu tấn gạo, tăng đột biến so với mức nhập khẩu 575.000 tấn năm 2011. Vì gạo là lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới nên động thái này lập tức thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế. Hiện có hai luồng ý kiến cố gắng giải thích hiện tượng này: do nhu cầu và do đầu cơ. Về nhu cầu, một số nhà phân tích cho rằng dù Trung Quốc tăng được năng suất và sản lượng lúa gạo trong 9 năm liên tiếp, nhưng vẫn không đủ gạo để nuôi số miệng ăn đông đảo nhất thế giới, và do vậy phải tăng nhập khẩu. Nếu cách giải thích này là đúng thì việc tăng nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm ngoái là dấu hiệu khởi đầu một sự chuyển dịch quan trọng và kéo dài trên thị trường lúa gạo toàn cầu. Nhiều người lo ngại rồi đây thế giới sẽ không còn đủ gạo để mua bán và do mất cân đối cung-cầu giá cả sẽ bị đẩy lên cao. Cách giải thích thứ hai thiên về hướng đầu cơ: do giá gạo ở Trung Quốc được chính phủ quy định nên luôn có sự chênh lệch giữa “giá nhà nước” và giá thị trường, kích thích hoạt động đầu cơ và buôn lậu. Thương nhân Trung Quốc đã kiếm lợi lớn từ việc mua gạo ở Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan với giá thấp rồi bán ở thị trường trong nước với giá cao hơn. Một số thương nhân cho biết, ở thời điểm giữa tháng 12-2012, giá mua gạo ở Việt Nam là 410 đô la Mỹ/tấn, trong khi ở Trung Quốc, gạo cùng phẩm cấp có giá tới 635 đô la Mỹ/tấn. Thomas Pugh, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa của Công ty nghiên cứu Capital Economics ở London nhận xét, ở Trung Quốc, nông dân bán gạo cho chính phủ theo giá quy định, nhưng ăn gạo nhập khẩu theo giá thị trường; kết quả là phần lớn gạo mà chính phủ mua đã được đưa vào kho dự trữ thay vì đem ra tiêu thụ. “Khi nào khoảng cách giữa giá quy định và giá thị trường được thu hẹp thì nhập khẩu gạo sẽ giảm”, ông Pugh nói. Quan điểm của ông Pugh có thể dựa trên số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO). Theo FAO, tại thời điểm cuối tháng 9-2012 lượng gạo tồn kho của Trung Quốc là 93,7 triệu tấn, tương đương 8,5 tháng tiêu dùng, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, đến cuối tháng 7-2012, Trung Quốc dự trữ được 45,85 triệu tấn gạo, chỉ đủ cho 4 tháng tiêu dùng và năm nay 2013, Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn gạo. Các chuyên gia được báo WSJ hỏi ý kiến đều cho rằng, số liệu của FAO có thể không phản ánh đúng thực tế, vì khi giá cao, nhập khẩu tăng mạnh thì tồn kho không thể nhiều như vậy. Việc nhập khẩu gạo của Trung Quốc, dù do nhu cầu chính đáng hay do đầu cơ trục lợi, cũng đều tác động mạnh đến giá gạo toàn cầu: nếu do nhu cầu thì giá gạo sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao trong những năm tới; còn nếu do chính sách kiểm soát của chính phủ Trung Quốc thì thị trường lúa gạo toàn cầu sẽ chao đảo khi chính sách này thay đổi. Vấn đề còn ở chỗ giá gạo tăng sẽ đồng thời kéo theo giá lúa mì và bắp và giá lương thực nói chung với những hậu quả khó lường. Đợt lúa gạo tăng giá năm 2008 đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và kích hoạt nhiều vụ bạo động, bất ổn xã hội trên khắp thế giới. Thị trường lúa gạo toàn cầu tiềm ẩn nhiều biến động do lượng lúa gạo hàng hóa bán ra chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của các nước nhập khẩu. Theo FAO, lượng gạo buôn bán trên thị trường thế giới năm 2012 chỉ có 37,3 triệu tấn, bằng 7,7% nhu cầu. Trong khi đó, chỉ riêng Trung Quốc đã tiêu thụ tới 140 triệu tấn gạo mỗi năm nên mọi động thái xuất khẩu-nhập khẩu lúa gạo của nước này đều có tác động lớn đối với thị trường. Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, Việt Nam cần hết sức lưu tâm. (Nguồn: thesaigontimes.vn) |
Copyright © 2017 Công Ty Lương Thực Sông Hậu |