Thương hiệu xa vời

Thứ năm, 10/01/2013, 05:13 GMT+7

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong năm 2012, xuất khẩu gạo nước ta đạt kỷ lục mới về lượng là 7,72 triệu tấn. Như vậy, so với kỷ lục cũ của năm 2011 là 7,105 triệu tấn, thì kỷ lục mới này đã cao hơn tới trên 600 ngàn tấn, tức 8,29%. Trong một năm mà xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu gạo nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thì đây là một thành tích rất đáng được ghi nhận. Bởi nó đã góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân.

 

Thế nhưng, nếu nhìn vào giá trị xuất khẩu gạo thì niềm vui sẽ bị "bay đi ít nhiều”. Năm 2011, xuất khẩu 7,105 triệu tấn, thu về tới 3,507 tỷ USD. Năm 2012, xuất khẩu cao hơn tới trên 600 ngàn tấn, nhưng giá trị lại không bằng năm 2011 khi chỉ đạt 3,45 tỷ USD.

Lượng tăng, giá trị giảm, đương nhiên là có ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố khách quan từ thị trường thế giới. Trong năm qua, các nước Ấn Độ, Pakistan, Myanmar … đua nhau xuất khẩu gạo các loại số lượng lớn với giá khá rẻ. Riêng Ấn Độ đã lập kỷ lục mới trong lịch sử xuất khẩu gạo nước này là gần 10 triệu tấn. Với lượng gạo xuất khẩu quá lớn như trên mà giá lại khá rẻ, rõ ràng Ấn Độ đương nhiên đã giành được ưu thế lớn trên thị trường gạo thế giới, nhất là khi ở phần lớn các nước hiện nay, do khủng hoảng, khó khăn kinh tế, mà giá cả đang trở thành yếu tố hàng đầu để thu hút người tiêu dùng. Khi ấy, để cạnh tranh được với gạo Ấn Độ, giá gạo Việt Nam không có cách nào khác là phải giảm mạnh xuống. Chính điều này đã giúp Việt Nam vẫn giữ được vị trí thứ 2 trong số những nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Còn Thái Lan, do không thể giảm mạnh giá gạo xuất khẩu bởi Chính phủ nước này đã phải thu mua lúa của nông dân với giá  cao, nên đã mất đi khá nhiều tính cạnh tranh, đành phải ngậm ngùi rời bỏ ngôi vị là nước xuất khẩu gạo số 1 vốn đã nắm giữ từ nhiều năm qua.

Nhưng xét về yếu tố chủ quan, có thể thấy sự suy giảm giá trị xuất khẩu, còn đến từ yếu tố chất lượng. Trên thị trường thế giới, gạo Việt Nam tuy được đánh giá cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, nhưng vẫn còn thua kém khá nhiều so với gạo Thái Lan và một số nước khác. Bởi thế, gạo Việt Nam lâu nay vẫn chỉ xâm nhập vào được những thị trường không đòi hỏi cao về mặt chất lượng như Trung Quốc, châu Phi, Philippines, Indonesia … Đây là những thị trường lớn nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường trước được. Bằng chứng là trong năm 2012, khách hàng từ Trung Quốc, châu Phi … đã hủy một lượng hợp đồng không nhỏ đối với gạo Việt Nam, mà nguyên nhân nhiều khi chỉ vì giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với một số nhà cung ứng khác.

Trong khi đó, những thị trường mang tính bền vững hơn vì chỉ nhập khẩu gạo chất lượng cao hay đảm bảo được những chỉ tiêu ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, thì gạo Việt vẫn gần như đang đứng ngoài. Có thể kể ra nhiều ví dụ như thế. Chẳng hạn, mấy năm qua, các cơ quan chức năng và nhà nhập khẩu Hàn Quốc đã nhiều lần sang trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách làm gạo sao cho đảm bảo được những tiêu chí có thể xuất khẩu được vào nước này. Nhưng qua mấy lần Hàn Quốc mở thầu nhập khẩu gạo, gạo Việt Nam đều bị loại sớm. Thị trường Iraq thường xuyên tổ chức đấu thầu mua gạo ngon với giá cao, nhưng người trúng thầu luôn là các nhà xuất khẩu đến từ Thái Lan, Mỹ hay Uruguay mà không phải Việt Nam …

Vì sao chất lượng gạo Việt Nam vẫn thấp? Không phải do Việt Nam thiếu những giống lúa cho cơm ngon, mà nguyên nhân chính nằm ở các tổ chức thu mua lúa gạo hiện nay. Gần như toàn bộ lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL (khu vực chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước) đang được thu mua bởi các thương lái lớn nhỏ. Thương lái thường đi ghe có trọng tải hàng chục đến hàng trăm tấn, cùng lúc thu mua lúa của rất nhiều hộ nông dân. Các hộ nông dân lại mỗi nhà trồng một giống. Khi thương lái đến thu mua, đem tất cả những giống lúa khác nhau đó đổ lẫn lộn vào nhau, vì thế, gạo xay ra đố mà có được chất lượng cao.

Vì thế, để giải quyết bài toán chất lượng cho gạo Việt, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Bởi ở mỗi một cánh đồng mẫu lớn, chỉ sử dụng 1 đến 2 giống lúa chất lượng cao, và chỉ do một doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua trực tiếp từ nông dân. Khi ấy, lúa sẽ không bị đổ lộn giống này với giống kia, thành ra hạt gạo được xay ra sẽ có chất lượng tốt. Qua đó, doanh nghiệp không chỉ có được nguồn gạo nguyên liệu chất lượng cao mà còn có cơ sở để xây dựng thương hiệu.

Nhưng đáng tiếc là trong khi diện tích cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa ở ĐBSCL đang tăng rất mạnh (vụ Đông Xuân 2012-2013 là trên 70 ngàn ha), nhưng số doanh nghiệp lương thực tham gia làm cánh đồng mẫu lớn lại chỉ đang đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các doanh nghiệp lương thực vẫn đang ngại làm cánh đồng mẫu lớn bởi chi phí đầu tư vào đó là không nhỏ, và phải chấp nhận lỗ trong mấy năm đầu. Do đó, phần lớn doanh nghiệp lương thực vẫn đang tiếp tục chấp nhận kiểu thu mua lúa gạo hàng hóa như trước đây. Thành ra việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để tăng thêm tính cạnh tranh trên thị trường thế giới còn khá xa vời.

(Nguồn: baomoi.com)




Copyright © 2017 Công Ty Lương Thực Sông Hậu