Xuất khẩu gạo: Giải “bài toán” chất lượng

Thứ hai, 03/04/2017, 08:44 GMT+7

Tờ World Map vừa thống kê Top 10 quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn nhất thế giới năm 2016, trong đó có Việt Nam với sản lượng 28,234 triệu tấn/năm. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dư thừa nguồn cung gạo như hiện nay, sản lượng không còn là lợi thế lớn mà chất lượng gạo mới là yếu tố cạnh tranh quan trọng.

Tăng sản lượng, không tăng giá trị

Thông tin đưa ra tại hội thảo “Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức mới đây cho thấy, nhờ việc mở rộng diện tích canh tác lúa, sản lượng gạo đã tăng gần 10 triệu tấn giai đoạn 2005 – 2015. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu (XK) gạo lại không duy trì được đà tăng một cách đều đặn khi chỉ tăng trung bình 14%/năm về lượng và 10%/năm về giá trị trong giai đoạn 1989-2012; từ năm 2014 đến nay giảm cả về lượng và giá trị.

Khó khăn trong XK gạo tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2017. Theo Bộ Công Thương, lượng gạo XK tháng 2/2017 ước đạt 450.000 tấn với giá trị đạt 184 triệu USD, đưa lượng XK gạo 2 tháng đầu năm 2016 ước đạt 787.000 tấn, giá trị 328 triệu USD, giảm 18,5% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài nguyên nhân do nguồn cung trên thế giới đang dồi dào, Thái Lan liên tục xả kho gạo khiến giá gạo giảm mạnh còn có nguyên nhân đến từ việc chất lượng gạo nước ta không cao, tỷ lệ gạo phẩm cấp trung bình và thấp chiếm tới hơn 30%. Nếu so với các loại gạo cùng loại của Thái Lan, Campuchia, gạo Việt không cạnh tranh được cả về giá và chất lượng.

Trong bối cảnh khó khăn chung, khi nhiều chủng loại gạo truyền thống như gạo trắng cấp thấp và gạo trắng trung bình XK dần giảm sút thì các chủng loại gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo trắng hạt dài lại đang tăng dần. Từ chỗ không đáng kể, đến hết năm 2016, tỷ lệ gạo thơm và gạo trắng cao cấp đã chiếm hơn 50% trong tổng sản lượng gạo XK. Đặc biệt, gạo Japonica dù còn chiếm tỷ lệ thấp (trên 3% tổng lượng gạo XK) nhưng liên tục có sự tăng trưởng XK rất mạnh trong thời gian qua.

Tập trung cho gạo chất lượng cao

“Hiến kế” cho việc XK gạo bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng cần thay đổi tư duy từ sản xuất nhiều, sản lượng lớn sang sản xuất theo nhu cầu thị trường với các sản phẩm có chất lượng cao.

Đơn cử, các ý kiến đưa ra trong hội thảo “Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo” đều nhấn mạnh rằng, không nên duy trì diện tích và sản lượng cao trong khi bỏ qua chất lượng, nhất là trong bối cảnh cung tăng, cầu giảm, nhiều nước đang phấn đấu tự túc lương thực hiện nay; cần chuyển đổi tư duy trọng lượng sang tư duy trọng chất, bỏ mục tiêu duy trì sản lượng 39-40 triệu tấn thóc, XK 6 tấn gạo; khuyến khích liên kết doanh nghiệp (DN) và nông dân hình thành cánh đồng lớn và sản xuất theo hợp đồng.

GS. Võ Tòng Xuân – Chuyên gia nông nghiệp – nhấn mạnh, việc phải thay đổi cơ cấu gạo XK bằng cách sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo một cách bài bản, sản xuất theo chuỗi; xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất một loại giống, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc trừ sâu; xóa bỏ tư duy chạy đua làm lúa thật nhiều, sản lượng thật cao mà tập trung đầu tư cho nâng cao chất lượng hạt gạo ngon, an toàn. Đối với các chủng loại gạo chất lượng cao như gạo hữu cơ, lượng XK cũng không nhiều nên DN không cần và không nhất thiết phải có hệ thống kho bãi lớn…

Cần một tư duy hệ thống, toàn diện, nhất quán từ sản xuất đến thương mại cho ngành lúa gạo nói riêng  và nông nghiệp nói chung.
 


Nguồn: http://vfpress.vn/kinh-doanh/xuat-khau-gao-giai-bai-toan-chat-luong-493762.html
Người viết : huuduchuynh


Copyright © 2017 Công Ty Lương Thực Sông Hậu