Thứ hai, 24/09/2012, 07:22 GMT+7 | Lượt xem: 3396 |
Trong hệ thống siêu thị hiện nay, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng từ 70 - 80% thị phần.
Trong hệ thống siêu thị hiện nay, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng từ 70 - 80% thị phần.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Nhất Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart, số lượng mặt hàng trong mỗi siêu thị Fivimart khoảng 18.000 - 20.000 mặt hàng, trong đó hàng Việt Nam chiếm xấp xỉ 90%.
“10% còn lại là hàng ngoại tập trung ở hoa quả, rượu bia, bánh kẹo và các đồ gia dụng, quần áo”, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Nhất Nam cho biết.
Trao đổi với VnEconomy, Phó tổng giám đốc BigC Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho hay, hiện lượng hàng Việt Nam xuất hiện trong các gian hàng của BigC chiếm tới 95%, số còn lại 5% là hàng có xuất xứ từ nước ngoài.
Đại diện một đơn vị từ miền Nam, Phó tổng giám đốc Sài gòn Co.op mart Nguyễn Thị Hạnh thông tin rằng, các mặt hàng sản xuất trong nước do siêu thị này cung ứng hiện mang về cho Co.op mart tới 90% doanh thu.
“Trong các năm gần đây, doanh thu từ hệ thống bán lẻ của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đạt trên 4.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các mã hàng Việt Nam tăng bình quân hàng năm từ 30 - 50%”, một đại diện của Hapro chia sẻ.
Có được tỷ trọng doanh thu trên, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nội địa chiếm từ 60 - 80% trong tổng số 15.000 mã hàng hóa trong hệ thống của Hapro.
Theo kết quả khảo sát từ Bộ Công Thương, hiện có 71% người Việt Nam ưu tiên và sử dụng hàng Việt Nam, so với con số 1 năm trước là 58%.
Tuy nhiên, khi xét đến các kênh khác trong hệ thống bán lẻ hiện đại như cửa hàng đặc chủng, chuyên doanh, trung tâm mua sắm,… thì hàng nội lại bị mất “ghế”.
Đơn cử, theo thống kê, tại Nguyễn Kim, Thiên Hòa, TopCare, Pico, Mediamart… những đơn vị chuyên kinh doanh về hàng điện máy, hàng gia dụng thì hàng Việt chưa chiếm tới con số 50% trong tổng số các mặt hàng bày bán. Tỷ lệ này còn thấp hơn tại cửa hàng tiện lợi hay trung tâm thương mại.
Nguồn: Vneconomy