Lỗ nặng, Thái Lan muốn lập Hiệp hội gạo ASEAN

Thứ ba, 12/11/2013, 09:23 GMT+7 Lượt xem: 841
Thái Lan đang kêu gọi Việt Nam tham gia vào ban điều hành của Hiệp hội gạo ASEAN do Thái Lan đề xuất. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan thừa nhận thua lỗ hàng tỉ USD từ tạm trữ lúa gạo và phải bán tháo gạo với giá rất thấp.

Thái Lan vừa đề xuất lại việc thành lập Hiệp hội gạo ASEAN để nâng cao quyền đàm phán về giá bán cho các nước thành viên tại một hội nghị do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của bốn nước sản xuất và xuất khẩu gạo trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar. 

 Theo Thứ trưởng Thương mại Thái Lan Yanyong Phuangrach, năm nước xuất khẩu gạo của ASEAN nên phối hợp cùng nhau để khẳng định vị trí trên thị trường gạo thế giới và Hiệp hội gạo ASEAN cần được thiết lập để tăng cường quyền đàm phán của họ. 

Ông Yanyong cho rằng nếu Hiệp hội gạo ASEAN được thành lập, các khó khăn như giá cả bất ổn, không kiểm soát được theo hệ thống sẽ được loại bỏ, đồng thời sẽ giúp ổn định thị trường và giảm bớt tính quyết liệt trong cạnh tranh buôn bán gạo. 

 Việt Nam và Thái Lan đang kiểm soát gần 50% lượng gạo buôn bán trên toàn cầu, nhưng Hội đồng ngũ cốc quốc tế ước tính con số này sẽ giảm xuống khi Ấn Độ trở thành nước xuất gạo lớn nhất thế giới. 

 Ý định thành lập hiệp hội gạo được coi là nhằm đối phó với thị phần đang ngày càng tăng của Ấn Độ. 

 Theo đánh giá của đại diện Agrow Enterprise, nhà môi giới sản phẩm nông nghiệp có trụ sở tại Bangkok, để ý tưởng thành lập hiệp hội gạo thành hiện thực, cần phải kêu gọi Việt Nam tham gia vào ban điều hành. 

 Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan đang phải đứng trước áp lực lớn từ chính sách trợ giá gạo. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục chi 270 tỷ baht, tương đương 8,6 tỷ USD để mua 11 triệu tấn gạo từ tháng 10/2013 cho đến tháng 9/2014. 

 Theo báo cáo mới được công bố của Ủy ban Kiểm toán Thái Lan, chính phủ nước ngày đã lỗ khoảng 330 tỷ baht (hơn 11 tỷ USD) trong ba mùa vụ trợ giá gạo vừa qua, chiếm 58,8% tổng số ngân sách 600 tỷ baht cấp cho chương trình trong một năm rưỡi qua.

 Nguyên nhân số lỗ tăng cao được giải thích là do lượng gạo đưa vào kho ngày càng nhiều, trong khi lượng gạo bán ra lại rất ít. 

 Giá gạo trên thị trường cũng sụt giảm trong thời gian qua bởi nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, trong khi chi phí sản xuất lại tăng.

 Với số lỗ 390 tỷ baht được tính qua bốn vụ từ cuối năm 2011 tới tháng 10/2013 thì trung bình mỗi tháng Thái Lan lỗ khoảng 15 tỷ baht.

 Nguyên nhân của việc thua lỗ là do giá thu mua bị đẩy lên cao hơn 40-50% so với giá thị trường, khiến gạo Thái Lan không thể bán ra thị trường thế giới trong khi thị trường có xu hướng giảm giá.

 Chương trình này bắt đầu được chính phủ của bà Yingluck Shinawatra thực hiện theo cam kết tranh cử năm 2011, trong đó giá gạo trắng thông thường được thu mua ở mức 15.000 baht/tấn và gạo hương nhài được mua với giá 20.000 baht/tấn.

 Theo số liệu tính toán sơ bộ từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, mỗi kg gạo được thu mua với giá 32,32 baht, trong khi chỉ bán được với giá trung bình 10,20 baht/kg.

 Điều này có nghĩa cứ mỗi kg gạo trong chương trình trợ giá được bán ra, Thái Lan sẽ lỗ 22,12 baht. Với số liệu này, các nhà xuất khẩu cho rằng số tiền lỗ cho chương trình trợ giá sẽ vào khoảng 500-700 tỷ baht trong cả nhiệm kỳ của chính phủ.

 Trong khi đó, tại VN, ngày 30/8, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho hay VFA vừa có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho mua triển khai tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo quy lúa vụ hè thu và vụ thu đông để giữ giá lúa ở thị trường nội địa.

 Theo tính toán sơ bộ hiện nay các doanh nghiệp tạm trữ đang chịu lỗ khoảng 30 USD/tấn. Hiện lượng gạo tạm trữ đang tồn trong kho các doanh nghiệp khoảng 700.000 - 800.000 tấn gạo (tương đương 24 triệu USD). Vì vậy, VFA cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ của 300.000 tấn gạo này thời gian là hai tháng, từ 15/9 đến 15/11.

 Xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến tháng 9 năm nay đã vượt mốc 5 triệu tấn, nhưng mới đạt khoảng 70% mục tiêu.

 Hiện áp lực lớn nhất đối với Việt Nam là việc Chính phủ Thái Lan đang quyết định hạ giá, bán ra gạo tồn kho. Tuy nhiên, nhu cầu đối với gạo Thái cũng đang rất thấp và khách mua đứng ngoài thị trường, đợi giá giảm. 

(Nguồn:baodatviet.vn)     



vn
en
 
HOTLINE
+84292.3841299
  • yahoo
  • skype