Thứ sáu, 28/06/2013, 02:57 GMT+7 | Lượt xem: 942 |
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Danh dự TREA, dự báo năm nay, nước này có thể xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo, tăng mạnh so với dự báo trước đó của ông này (6 đến 6,5 triệu tấn). Con số này có thể sẽ tăng lên 8 triệu tấn vào năm 2014.
Trước đó, trong phiên họp đặc biệt ngày 19/6, nội các Thái Lan đã thông qua đề xuất của Ủy ban Chính sách Gạo Quốc gia (NRPC) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan về việc giảm 20% giá thu mua lúa gạo nhằm hạn chế thua lỗ của chương trình mua tạm trữ lúa gạo. Theo Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thái Lan Warathep Rattanakorn, Chính phủ Thái Lan sẽ trả 12.000 bạt (389 USD)/tấn gạo so với giá hiện tại ở mức 15.000 bạt (486 USD)/tấn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn đặt mức trần trợ giá là 100 tỷ bạt (3,24 tỷ USD)/năm, trong khi cho phép mỗi hộ nông dân chỉ được bán tối đa 500.000 bạt (16.000 USD) và cố gắng hạn chế thiệt hại không quá 100 tỷ bạt (3,24 tỷ USD)/năm. Theo dự kiến, chương trình cắt giảm trợ giá gạo sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Chủ tịch Chookiat khẳng định việc cắt giảm trợ giá gạo sẽ khiến giá gạo Thái rẻ hơn trên thị trường quốc tế, qua đó giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng gạo xuất khẩu cũng sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Việt Nam và Ấn Độ, vốn có thể hạ giá gạo để cạnh tranh với Thái Lan.
Kể từ tháng 10/2011, Thái Lan đã thu mua gạo từ người nông dân với mức giá cao hơn 50% so với giá tại thị trường nội địa, để gia tăng thu nhập cho người nông dân. Khoảng 588,7 tỷ baht đã được chi để mua 27 triệu tấn gạo. Số tiền này tương đương 70% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của Thái Lan. Chính phủ ước tính chương trình trợ giá gạo đã khiến nước này lỗ tới 136,9 tỷ baht trong giai đoạn 2011-2012. Ngày 3/6, tổ chức Moody’s Investors Service Inc. cảnh báo tình trạng này có thể gây trở ngại để Băng Cốc hoàn thành mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2017 và tác động tiêu cực đến bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này.