Quan điểm chiến lược cần nhìn xa hơn

Thứ sáu, 08/09/2017, 16:01 GMT+7 Lượt xem: 631

Có thể nói, các quan điểm trong “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” (Chiến lược) đã đề cập đầy đủ những nội dung mấu chốt trong phát triển thị trường xuất khẩu gạo.

Đó là hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh lương thực trong nước, sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái, phân tán rủi ro...

Tuy nhiên, xét trên tổng thể, dường như chiến lược này vẫn khó có thể làm an lòng về tương lai của ngành lúa gạo Việt Nam.

Vai trò thực sự của xuất khẩu gạo

Xuất khẩu gạo chỉ có thể góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước, chứ không thể giữ vai trò quyết định.

Trước hết, như các số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, kể từ năm 1989 đến nay, tuy tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta đã đạt mức khổng lồ 125 triệu tấn, nhưng nếu so với tổng sản lượng gạo đã vượt qua ngưỡng khổng lồ 600 triệu tấn, tỷ trọng của gạo xuất khẩu chỉ chiếm chưa tới 21%.

Cho dù vậy, như lịch sử gần ba thập kỷ qua cho thấy, mỗi khi thị trường gạo thế giới “hữu sự”, giá lúa gạo trong nước lập tức sốt nóng, hoặc sốt lạnh theo. Thực tế này có nghĩa là, trong thế giới lúa gạo mở ngày nay, xuất khẩu gạo là kênh truyền dẫn tác động của thị trường gạo thế giới đối với thị trường lúa gạo trong nước.

Do vậy, có thể nói, xuất khẩu gạo giữ vai trò của “chiếc van an toàn”, giúp bảo đảm an ninh lương thực trong nước, còn “cỗ máy tạo nguồn động lực” bảo đảm an ninh lương thực trong nước phải là hoạt động sản xuất ra lượng gạo khổng lồ đó của hàng chục triệu nông dân.

Việc “đóng đinh” mục tiêu (sản lượng) xuất khẩu gạo như trong Chiến lược có thể đi ngược lại quan điểm an ninh lương thực.

Do vậy, việc “đóng đinh” mục tiêu (sản lượng) xuất khẩu gạo như trong Chiến lược có thể đi ngược lại quan điểm an ninh lương thực.

Sở dĩ như vậy là bởi nhiều lẽ. Đó có thể là, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “trả bài” Chính phủ về quy hoạch sản xuất lúa gạo, khi chứng minh được lượng gạo xuất khẩu có hiệu quả cao hơn, hoặc thấp hơn, thì việc tuân thủ mục tiêu xuất khẩu gạo trong Chiến lược không phải là cách lựa chọn khôn ngoan. Đã từng xảy ra trường hợp này, như trong hai đợt sốt nóng giá gạo thế giới 1998 và 2008, khi đó chúng ta được mùa hơn cả dự kiến, nhưng xuất khẩu lại bị cấm hoặc bị tạm ngừng...

Không những vậy, chính các nhà hoạch định chiến lược cũng tự mâu thuẫn với mình, dù “đóng đinh” mục tiêu lượng gạo xuất khẩu như vậy nhưng ngay trong quan điểm chiến lược đầu tiên lại khẳng định: “Góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân”.

Lợi ích kinh tế - xã hội không thể “tĩnh” trong thế giới “động”

Chiến lược nói trên quyết định thu hẹp quy mô xuất khẩu gạo hiện nay do hiệu quả kinh tế - xã hội không được như mong muốn, hoặc thấp hơn nhiều so với các phương án chuyển đổi diện tích đất lúa sang các mục đích sử dụng khác. Điều này có thể hợp lý, nhưng cũng có thể không hợp lý, tùy vào bối cảnh cụ thể.

Bởi lẽ, hiệu quả kinh tế - xã hội (của việc xuất khẩu gạo) thấp như hiện nay là do ba nguyên nhân riêng rẽ, hoặc cộng hưởng với nhau theo những cách khác nhau.

Trước hết, hiệu quả này phụ thuộc rất nhiều, nếu như không muốn nói là phụ thuộc chủ yếu, vào cán cân cung - cầu lúa gạo thế giới.

Như các số liệu thống kê của FAO và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, trong gần sáu thập kỷ qua, giá gạo thế giới nói chung (tính theo toàn bộ “rổ gạo xuất khẩu” của thế giới), thường xuyên biến động rất mạnh theo những chu kỳ dài, ngắn rất khác nhau, thậm chí có những giai đoạn ngắn biến động rất thất thường.

Chẳng hạn, trong hai thập kỷ trở lại đây, từ mức đỉnh 392 đô la Mỹ/tấn năm 1996, giá gạo thế giới lao dốc liên tục và chạm đáy chỉ với 244 đô la Mỹ/tấn năm 2002, còn giai đoạn 2003-2006 lại đảo chiều và năm 2007 tăng rất mạnh, thậm chí năm 2008 tăng đột biến, đạt kỷ lục mọi thời đại 673 đô la Mỹ/tấn.

Còn từ đó đến nay, sau giai đoạn năm năm 2009-2013 tăng giảm rất thất thường chưa từng có (cứ một năm tăng lại một năm giảm), giá gạo thế giới đã liên tục giảm.

Như vậy, hiệu quả này chắc chắn đã tăng mạnh, khi cán cân cung - cầu lúa gạo thế giới nghiêng về phía các quốc gia xuất khẩu gạo.

Tiếp theo, hiệu quả kinh tế - xã hội trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo hiện nay thấp không chỉ do giá gạo thế giới giảm, mà còn do hệ thống phân phối lúa gạo của nước ta vẫn còn quá nhiều bất cập. Đó là, với chuỗi giá trị lúa gạo có lẽ dài nhất thế giới của chúng ta hiện nay, đương nhiên lợi nhuận trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo phải chia sẻ cho tất cả các chủ thể kinh doanh đó. Trong đó, những nông dân sản xuất lúa với quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ (chiếm đa phần) là những chủ thể yếu thế nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Do vậy, hiệu quả này chắc chắn sẽ tăng, thậm chí có thể tăng mạnh một khi hệ thống tổ chức sản xuất lúa và phân phối lúa gạo được tổ chức lại như Chiến lược đã chỉ ra.

Cuối cùng, hiệu quả kinh tế - xã hội trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo hiện nay thấp so với những nông sản khác còn do giá gạo thế giới hiện đang trong giai đoạn tụt dốc, trong khi giá nông sản khác lại trong tình trạng ngược lại.

Do vậy, không ai có thể phủ nhận khả năng tình thế này đảo ngược trong tiến trình phát triển, và vì vậy, “cánh diều” lúa gạo Việt Nam tự khắc sẽ bay cao khi “gió” giá gạo thế giới thổi lại.

Tất cả những điều nói trên cho thấy rằng, nếu chỉ dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội tĩnh của sản xuất và xuất khẩu gạo hiện nay để định hướng chiến lược phát triển, rất có thể chúng ta sẽ phạm phải sai lầm không có khả năng khắc phục được.

Tầm nhìn về an ninh lương thực cần xa hơn

Việc xử lý mâu thuẫn giữa hai quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh lương thực trong nước vẫn còn để ngỏ.

Nếu “căn ke” theo Chiến lược, nhiệm vụ đặt ra cho ngành nông nghiệp là duy trì sản xuất lúa đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước để bảo đảm an ninh lương thực từ nay đến năm 2030 và chỉ tổ chức sản xuất lúa để xuất khẩu 4,5-5 triệu tấn gạo vào năm 2020, đến năm 2030 giảm xuống 4 triệu tấn thì mới đạt hiệu quả kinh tế - xã hội; diện tích đất lúa còn lại phải chuyển sang các mục đích sử dụng khác cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.

Về quy mô diện tích đất lúa nên chuyển đổi, ý kiến có lẽ mạnh bạo nhất mà một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã nêu là chỉ nên giữ trên dưới 3 triệu héc ta.

Trong khi đó, theo dự báo vừa mới công bố của Liên hiệp quốc, với kịch bản trung bình, mức kỷ lục của dân số nước ta sẽ là 116 triệu người vào năm 2059 và giảm dần xuống còn 108 triệu người vào cuối thế kỷ này; với kịch bản cao, con số sẽ lên mức 163 triệu vào cuối thế kỷ. Còn các dự báo khác cho thấy, do tác động của biến đổi khí hậu, một phần không nhỏ diện tích hai vựa lúa lớn nhất nước sẽ bị nước biển nhấn chìm, cho nên những “báu vật quốc gia” này sẽ bị thu nhỏ tương ứng, nếu như không có phương án quai đê biển giống như Hà Lan để giữ hoặc phương án này không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh lương thực trong nước đương nhiên xung đột lẫn nhau trong tương lai.

Bởi lẽ, mức sản lượng gạo đảm bảo an ninh lương thực trong nước cho 95 triệu dân hiện nay có thể không đủ để bảo đảm cho quy mô dân số lớn hơn hẳn như vậy, kể cả trường hợp chuyển cả 4 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu vào năm 2030 sang tiêu dùng trong nước.

Quỹ đất lúa mà ông cha chúng ta từ hơn một ngàn năm nay đã tạo dựng, giữ gìn, tu bổ có thể bảo đảm an ninh lương thực trong nước cho cả các thế hệ người Việt Nam mai sau. Nếu chỉ vì hiệu quả kinh tế - xã hội trong một thời kỳ ngắn ngủi hơn một thập kỷ trước mắt mà chúng ta đã để vuột mất, bởi phần diện tích đất lúa đó không bao giờ có thể tái tạo được, chí ít là đối với vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong dài hạn hơn nữa.

Nguồn: tintucnongnghiep



vn
en
 
HOTLINE
+84292.3841299
  • yahoo
  • skype