Cập nhật dự báo thị trường gạo của USDA

Thứ hai, 18/09/2017, 08:21 GMT+7 Lượt xem: 1089

Ngày 12/9, USDA công bố cập nhật dự báo thị trường gạo toàn cầu; theo đó, đối với niên vụ 2017-18, dự báo sản xuất gạo toàn cầu được điều chỉnh tăng do sản xuất tăng tại Ấn Độ, Myanmar và Peru mạnh hơn suy giảm sản xuất tại Trung Quốc, Bangladesh, và mỹ. 

Tiêu dùng cũng được điều chỉnh tăng, trong khi dự trữ tiếp tục tăng với nguồn cung bổ sung từ Ấn Độ. Dự báo thương mại gạo toàn cầu cũng được điều chỉnh tăng. Đối với niên vụ 2016/17, sản xuất gạo toàn cầu được điều chỉnh tăng lên mức cao kỷ lục mới. Thương mại được điều chỉnh tăng do nhu cầu tăng từ Bangladesh, Trung Quốc và Iran.

Với xuất khẩu tăng từ đầu năm đến nay cộng với các thương vụ mới thỏa thuận gần đây, USDA dự báo Myanmar sẽ xuất khẩu 2,4 triệu tấn gạo trong năm 2017, tăng gấp 4 lần so với 1 thập kỷ trước đây. Xuất khẩu gạo của Myanmar đang tăng nhanh, phần lớn là xuất sang Trung Quốc. Mức giá cạnh tranh của Myanmar so với mức giá trợ cấp của chính phủ Trung Quốc đã tạo nên vị thế thuận lợi cho thương mại mậu biên giữa hai nước. Xuất khẩu tăng sang Trung Quốc bù đắp cho suy giảm xuất khẩu sang Tây Phi và Myanmar cũng được hưởng lợi từ tăng xuất khẩu sang EU theo sáng kiến Tất cả trừ Vũ khí (Everything but Arms). Hơn nữa, trong tháng 9, Myanmar và Bangladesh đã ký một biên bản ghi nhớ về giao dịch 300.000 tấn gạo, và đây là lượng xuất khẩu lớn nhất sang nước láng giềng này từ năm 2008. Mặc dù xuất khẩu gạo của Myanmar được dự báo giảm nhẹ trong năm 2018 nhưng được cho là vẫn mạnh.

Đáng chú ý, Myanmar đang đạt được kim ngạch xuất khẩu gạo lớn nhất trong nhiều thập kỷ tính cả về lượng và giá trị. Trước Thế chiến II, Myanmar từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với thị phần khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu và Ấn Độ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất. Nay với thương mại gạo toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 44 triệu tấn trong năm 2017, xuất khẩu gạo của Myanmar chỉ chiếm hơn 5% thương mại gạo toàn cầu. Điều thú vị là Ấn Độ không còn là nước nhập khẩu gạo, thay vào đó là vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong 6 năm qua.

Giá gạo jasmine Thái Lan đã tăng tới 70% kể từ tháng 4/2017. Cú shock cầu đến từ nhu cầu nhập khẩu cao bất thường của Iran. Thông thường, Iran mua gạo basmati, một loại gạo thơm khác và đắt hơn nhiều so với gạo thơm jasmine. Năm 2014, Iran đã từng nhập khẩu gạo basmati với mức giá cao gấp đôi gạo jasmine. Tuy nhiên, năm 2017, khi giá gạo basmati Ấn Độ một lần nữa cao gấp đôi giá gạo jasmine, Iran đã mua hơn 100.000 tấn gạo jasmine. Lượng mua lớn này cộng hưởng với nguồn cung thấp trên thị trường Thái Lan do dự trữ gạo trong kho chính phủ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, và nguồn cung gạo jasmine vụ mới sẽ không xuất hiện trên thị trường trước tháng 11. Các yếu tố cung – cầu này và sự tăng giá của đồng Bath dẫn đến giá gạo jasmine Thái chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.

Giá gạo jasmine tăng trong thời gian gần đây đã đảo ngược khuynh hướng giảm giá ổn định trong những năm gần đây, đang đẩy giá gạo jasmine tiệm cận tới mức giá gạo thường. Chính phủ Thái Lan đã khuyến khích sản xuất gạo thơm và bổ sung nguồn cung bằng nguồn gạo dự trữ. Trong khi đó, sản xuất gạo jasmine cũng tăng lên tại các nước láng giềng của Thái Lan như Việt Nam. Tuy nhiên, sự hiện diện của Iran đang và sẽ tiếp tục là một nhân tố lớn hỗ trợ giá gạo Thái Lan trong tương lai gần.

Thay đổi trong dự báo thương mại gạo năm 2018

Về phía nhập khẩu

  • Nhập khẩu gạo của Bangladesh được điều chỉnh tăng thêm 300.000 tấn lên 1 triệu tấn để bù đắp thiệt hại của mùa màng gây ra bởi lũ lụt. Sản lượng lúa gạo của Bangladesh năm 2017/18 được dự báo sẽ chạm mcs thấp nhất kể từ năm 2010/11.
  • Nhập khẩu gạo của Trung Quốc được nâng thêm 250.000 tấn lên 5,3 triệu tấn do chênh lệch giá nội địa và quốc tế vẫn tiếp diễn, dẫn tới động cơ giao dịch mạnh với các nước láng giềng.
  • Nhập khẩu gạo của Iran được nâng thêm 200.000 tấn lên 1,3 triệu tấn do tăng trưởng tiêu dùng.

Về phía xuất khẩu

  • Xuất khẩu gạo của Myanmar được nâng thêm 300.000 tấn lên 2 triệu tấn do nguồn cung tăng và nhu cầu ổn định từ các thị trường khu vực, bao gồm trung Quốc.
  • Xuất khẩu gạo của Ấn Độ được điều chỉnh tăng 300.000 tấn lên 11,8 triệu tấn nhờ nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào, đáp ứng nhu cầu mạnh từ Bangladesh và Sri Lanka.
  • Xuất khẩu gạo của Mỹ bị hạ 100.000 tấn xuống 3,5 triệu tấn do nguồn cung giảm.

Thay đổi trong dự báo thương mại gạo năm 2017

Về phía nhập khẩu

  • Nhập khẩu gạo của Bangladesh được dự báo tăng thêm 200.000 tấn lên 1 triệu tấn nhờ các đợt đấu thầu nhập khẩu liên tiếp và lượng nhập khẩu lớn, bù đắp nguồn cung nôi địa giảm.
  • Nhập khẩu gạo của Trung Quốc được dự báo tăng thêm 150.000 tấn lên 5,3 triệu tấn do xuất khẩu từ các nước láng giềng tăng.
  • Nhập khẩu gạo của Iran được nâng thêm 500.000 tấn lên 1,6 triệu tấn do tăng nhập khẩu gạo Ấn Độ và Thái Lan.
  • Nhập khẩu gạo của Sri Lanka được điều chỉnh tăng thêm 200.000 tấn lên mức kỷ lục 900.000 tấn do các hoạt động mua gạo từ Myanmar gần đây.

Về phía xuất khẩu

  • Xuất khẩu gạo của Myanmar được điều chỉnh tăng thêm 500.000 tấn lên mức kỷ lcuj 2,4 triệu tấn nhờ thương mại mậu biên và xuất khẩu sang Sri Lanka tăng.
  • Xuất khẩu gạo của Campuchia cũng được nâng thêm 150.000 tấn lên 1,4 triệu tấn nhờ tăng xuất khẩu sang Bangladesh.
  • Xuất khẩu gạo của Ấn Độ được nâng thêm 200.000 tấn lên 11,2 triệu tấn nhờ các hoạt động xuất khẩu sôi động gần đây, đặc biệt là sang Nepal và Sri Lanka.
  • Xuất khẩu gạo của Pakistan bị hạ 100.000 tấn xuống 3,9 triệu tấn theo các dữ liệu mới cập nhật.
  • Xuất khẩu gạo của Thái Lan được nâng thêm 500.000 tấn lên 10,5 triệu tấn nhờ nguồn cung xuất khẩu tăng khi nguồn gạo dự trữ được tung ra thị trường.

Nguồn: USDA



vn
en
 
HOTLINE
+84292.3841299
  • yahoo
  • skype