Thứ sáu, 11/10/2013, 10:19 GMT+7 | Lượt xem: 1059 |
Trong khi Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết xuất khẩu gạo chính ngạch tiếp tục gặp khó trong những tháng cuối năm nay, thì gần đây có một lượng lớn gạo được doanh nghiệp trong nước thu gom bán tiểu ngạch sang Trung Quốc, giúp vực dậy giá lúa gạo thị trường địa vốn trầm lắng hơn 2 tháng qua.
Giá tăng nhờ bán tiểu ngạch
Dù không có số liệu thống kê chính thức lượng gạo được thu gom bán tiểu ngạch sang Trung Quốc nhưng ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) khẳng định con số này không dưới 500.000 tấn, chỉ trong vòng gần 1 tháng qua.
“Nếu tính từ đầu năm đến nay, lượng gạo bán tiểu ngạch sang Trung Quốc chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều”, ông nói.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, nhu cầu mua gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc lớn, trong khi nguồn cung hạn chế là nguyên nhân kéo giá lúa gạo nội địa tăng mạnh trong khoảng 1 tuần nay.
“Chỉ 1 tuần nay, giá gạo đã tăng 400 đồng/kí lô gam, lúa tăng hơn 300 đồng/kí lô gam, có nghĩa nhu cầu thu gom lúa, gạo đang rất cao. Trong khi đó, lúa vụ hè thu trong dân không còn nhiều, còn lúa thu đông thu hoạch chỉ sử dụng cho nhu cầu nội địa là chủ yếu”, ông Tuấn cho biết.
Thực tế, trao đổi qua điện thoại với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 10-10, ông Dương Văn Mến, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại Đồng Tháp, cho biết hiện lúa IR 50404 thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp tại ĐBSCL có giá 4.400 – 4.500 đồng/kí lô gam, tăng khoảng 300- 350 đồng/kí lô gam so với mức giá cách đây 1 tuần.
“Đối với gạo nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp tại Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) và Sa Đéc (thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) mua vào rất mạnh với giá 6.800 – 6.900 đồng/kí lô gam (gạo IR 50404) và 7.000 – 7.100 đồng/kí lô gam (gạo hạt dài), so với tuần rồi tăng bình quân 400 đồng/kí lô gam”, ông Mến cho biết.
Bán chính ngạch gặp khó?
Trong khi giao dịch tiểu ngạch sôi động, thì mới đây, tại cuộc hợp sơ kết xuất khẩu gạo tháng 9 và triển khai kế hoạch tháng 10 được tổ chức tại TPHCM, VFA tiếp tục điều chỉnh dự báo xuất khẩu gạo năm 2013 chỉ còn 7 triệu tấn, giảm 200.000 tấn so với con số được công bố hồi giữa tháng 9 và giảm đến 500.000 tấn so với dự kiến được đưa ra hồi đầu năm.
Nguyên nhân được VFA đưa ra để điều chỉnh dự báo của mình là do xuất khẩu gạo tháng 9 chỉ đạt khoảng 526.000 tấn, giảm hơn 123.000 tấn so với kế hoạch dự kiến đưa ra trước đó.
Ông Tuấn của Thịnh Phát, dẫn chứng báo cáo của VFA cho thấy tính đến cuối tháng 9-2013, đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo của VFA đạt 6,5 triệu tấn, tức chỉ tăng hơn 100.000 tấn so với con số thống kê cách đó nửa tháng (6,399 triệu tấn).
Tuy nhiên, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL (yêu cầu không nêu tên), cho biết khả năng ký được hợp đồng mới trong những tháng tới vẫn còn, đặc biệt đối với thị trường Indonesia và Philippines, Trung Quốc…
“Nhìn vào giá chào xuất khẩu, trong khi Thái Lan và Ấn Độ đứng im, thì một tuần nay, giá của chúng ta (doanh nghiệp trong nước) liên tục tăng, đây cũng là một minh chứng cho thấy đầu ra đang hồi phục”, vị này cho biết.
Thực tế, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tuần này tăng nhanh so với tuần trước, từ mức 355 – 365 đô la Mỹ/tấn (gạo 5% tấm) lên mức 380 – 390 đô la Mỹ/tấn.
Thống kê của trang thông tin: www.xe.com cho thấy, tính đến ngày 24-9-2013, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt 6,47 triệu tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái; của Thái Lan đạt xấp xỉ 4,7 triệu tấn, giảm 5,5%; của Pakistan đạt 2,44 triệu tấn, giảm 3%. Riêng xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,234 triệu tấn, giảm 255.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo www.xe.com, tổng khối lượng gạo được 4 quốc gia kể trên bán ra đến ngày 24-9-2013 là 18,825 triệu tấn, giảm hơn 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái
(Nguồn:vietpress.vn)