Thương nhân xuất khẩu gạo: Phải có vùng nguyên liệu?

Thứ hai, 26/08/2013, 08:53 GMT+7 Lượt xem: 952
Các DN xuất khẩu gạo phải tham gia vào sản xuất, tiêu thụ theo phương thức cánh đồng mẫu lớn, bắt buộc DN phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gạo mới được tham gia xuất khẩu.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 252/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan quản lý cần nhanh chóng phê duyệt Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo theo hướng ưu tiên cho DN có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa được làm đầu mối xuất khẩu gạo….

Về vấn đề này, trong thời gian qua dường như có sự không đồng nhất giữa các nhóm lợi ích trong ngành gạo nên Quy hoạch đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ.

Bộ và chuyên gia: Làm được

Về phía Bộ NN & PTNN, ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục đang đề xuất Bộ NN & PTNN trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010/ND-CP ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng bổ sung điều kiện các DN xuất khẩu gạo phải tham gia vào sản xuất, tiêu thụ theo phương thức cánh đồng mẫu lớn, bắt buộc DN phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gạo mới được tham gia xuất khẩu.

Trước mắt, Bộ NN & PTNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu DN xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng năm 2013, từ năm 2014 – 2015 phải đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng và sau 2015 là 80% trở lên.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, hiện khả năng tồn trữ lúa gạo ở Việt Nam yếu kém bởi vì áp lực nguồn cung lúa hàng hóa lớn khi vào vụ thu hoạch rộ, trong khi đó DN xuất gạo lại không chịu đầu tư kho tồn trữ vì không có vùng nguyên liệu, hầu như chỉ đi thu gom xuất khẩu khi ký được hợp đồng. Vì vậy việc bổ sung quy định vùng nguyên liệu vào điều kiện để cấp phép cho DN xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010/ND-CP chẳng những giúp họ chủ động được nguồn gạo, nông dân có địa chỉ tiêu thụ lúa mà còn khuyến khích DN đầu tư hệ thống kho chứa nhiều hơn.

“Trường hợp tất cả DN xuất khẩu gạo cùng thực hiện, với 153 DN tham gia XK gạo trong đó 99 DN được cấp phép xuất khẩu gạo thời hạn 5 năm theo Nghị định 109, tối thiểu 1 DN bao tiêu 5.000 ha, thì chỉ riêng các DN xuất khẩu gạo sẽ bao tiêu được 700 - 800 ngàn ha/vụ. Như vậy, với khoảng 1,5 triệu ha của vụ Đông xuân và 1,6 triệu ha của vụ Hè thu, nếu cả bên doanh DN xuất khẩu gạo, DN thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cùng làm, tôi nghĩ vấn đề tiêu thụ, tồn trữ sẽ được giải quyết”, ông Bảnh cho biết.

Doanh nghiệp nói “khó”

Theo ông Phạm Văn Bảy - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu “Cánh đồng mẫu lớn” theo chủ trương của Bộ NN & PTNN thì VFA rất hoan nghênh, tuy nhiên, mô hình đang ở giai đoạn làm thí điểm, phải tiếp tục xác định tính khả thi nên việc đưa yêu cầu này vào điều kiện xuất khẩu sẽ rất khó cho DN.

“Chúng tôi đề nghị nên để DN và bà con nông dân tự giác thực hiện, nghĩa là nếu DN và nông dân thấy rằng có lợi thì họ sẽ hợp tác làm”, ông Bảy cho biết.

Còn ông Trương Thanh Phong – TGĐ Tổng công ty Lương thực miền Nam thì cho rằng vùng nguyên liệu không phải của DN xuất khẩu gạo vì DN lo kiếm tiền để mua lúa gạo xuất khẩu đã khốn khổ rồi, lấy tiền đâu mua giống, thuê đất, kỹ sư,… đến chăm sóc lúa. Các DN bán thuốc, bán phân bón dễ xây dựng vùng nguyên liệu vì họ bán chịu thuốc, phân bón để cuối vụ nông dân bán lúa cho họ trừ nợ. Còn DN xuất khẩu gạo đa số đều bỏ tất cả vốn đầu tư máy sấy, nhà máy xay xát, lau bóng, đóng bao, kho chứa … thì không còn kinh phí để đầu tư cho nông dân sản xuất.

Một số DN xuất khẩu gạo đã xây dựng vùng nguyên liệu theo chương trình “Cánh đồng mẫu lớn” cho biết vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình này. Nguyên nhân do việc xác định giá lúa giữa DN và nông dân còn chênh lệch nhau, chỉ cần DN không đồng ý mua lúa là nông dân bán cho thương lái. Nếu DN có kí hợp đồng bao tiêu thì cũng không biết kêu ai vì không có cơ chế xử lý và giá trị thấp nên cũng khó để kiện ra tòa.

Bên cạnh đó, phần lớn nông dân vùng ĐBSCL ít vốn, sản xuất lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, trong khi đó thủ tục vay khó khăn, suất vay không đủ đầu tư người nông dân phải ký nợ tại các điểm bán vật tư nông nghiệp. Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch người nông dân phải bán lúa tại ruộng cho các thương lái và chủ cửa hàng vật tư để trả nợ, DN không thể chen ngang thu mua.  

Theo Quang Duy

Báo hải quan



vn
en
 
HOTLINE
+84292.3841299
  • yahoo
  • skype